Song song sự phát triển của logistics trong thời gian gần đây, những xu hướng mới đã được tạo ea và có tác động mạnh mẽ đến ngành logistics. Những xu hướng này sẽ ảnh hưởng đến các phân khúc của thị trường T&L (Transport & Logistics) theo những cách khác nhau. Cùng TASETCO tìm hiểu qua bài viết sau đây:
Two-speed world
Hay còn gọi là thế giới 2 tốc độ. Phát triển kinh tế toàn cầu đang tiến triển với “hai tốc độ” khác nhau. Những nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng, trong khi tăng trưởng ở các nước phát triển lại trì trệ. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục tăng dòng chảy thương mại trong và giữa châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Khi tiêu thụ tăng trong các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng (rapidly developing economies – RDEs), sản xuất cũng sẽ tăng theo.
Tất cả các phân khúc của ngành vận tải và logistics sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng khối lượng vận chuyển do tốc độ tăng trưởng cao của RDEs. Sự phức tạp hơn của chuỗi vận tải cũng sẽ tạo ra nhu cầu cho các dịch vụ tư vấn logistics và contract logistics.
Sự đô thị hóa (urbanization)
Một khi sự di cư quy mô lớn từ nông thôn ra đô thị vẫn tiếp tục, nhiều thành phố lớn sẽ phát triển và tạo ra mô hình nhu cầu mới của người tiêu dùng mà sẽ có ảnh hưởng đến các công ty trong ngành logistics. Các công ty này sẽ cần phải đối phó với sự phức tạp hơn về logistics trong các thành phố và với kỳ vọng ngày một tăng của người tiêu dùng về sự tiện lợi.
Tính bền vững (sustainability)
Các quy định nghiêm ngặt hơn và các trở ngại lớn hơn về nguồn lực làm cho các công ty logistics bắt buộc phải tìm ra những cách mới để giảm tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, nhận thức về các vấn đề phát triển bền vững trong người tiêu dùng được nâng cao sẽ có nghĩa là vận tải “xanh” sẽ có giá trị lớn hơn.
Tính bền vững sẽ tạo ra người thắng và kẻ thua trong những phân khúc khác nhau của ngành vận tải và logistics. Phân khúc vận tải đường sắt sẽ được hưởng lợi, bởi vì phương thức vận tải này được xem là thân thiện với môi trường, cũng như các nhà cung cấp mạng lưới đường sắt có liên quan và các phân khúc khác giúp làm cho vận tải hiệu quả hơn, chẳng hạn như bến bãi nội địa.
Vận tải đường hàng không, đường biển và đường bộ sẽ phải đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng về tuân thủ các quy định, chẳng hạn như phải nâng cấp hoặc thay thế đội xe/đội tàu để đáp ứng tiêu chuẩn mới về khí thải. Các công ty dịch vụ logistics cũng có thể phải chịu áp lực từ các khách hàng của họ để theo đuổi một lộ trình xanh (go Green), đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia
Tắc nghẽn cơ sở hạ tầng và sự khan hiếm (infrastructure congestion and scarcity)
Cơ sở hạ tầng ngày càng trở thành một nút thắc đối với doanh nghiệp. Ùn tắc và chi phí liên quan tăng lên sẽ mang lại thêm gánh nặng cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics và có khả năng làm gián đoạn cung cấp dịch vụ, chẳng hạn như giao hàng JIT (just-in-time). Tắc nghẽn và sự khan hiếm của cơ sở hạ tầng sẽ là những thách thức đặc biệt quan trọng trong các khu vực có mật độ dân số cao. Các công ty logistics sẽ cần phải vượt qua những khó khăn này khi phát triển các giải pháp cho khách hàng của họ.
Các phân khúc cơ sở hạ tầng logistics sẽ được hưởng lợi, bởi ở những khu vực mật độ khá đông như thế này, nơi khách hàng có ít sự lựa chọn hơn, các công ty sẽ có cơ hội để tăng lợi nhuận, trong khi phân khúc logistics vận hành sẽ phải đối mặt với khả năng thị giảm năng lực thị trường. Các phân khúc giao nhận vận tải và logistics hợp đồng vẫn giữ được vị thế, bởi các công ty này kiếm được lợi nhuận cao hơn bằng cách bán lại tải trên các tuyến đường tắc nghẽn.
Những công ty có thể sử dụng tầm nhìn rộng lớn của họ trên thị trường để xác định tuyến đường nào sẽ có hạn chế năng lực/tải (capacity) đáng kể nhất, đảm bảo tải trên các tuyến đường, và cung cấp cho khách hàng với giá cao. Mảng tư vấn logistics cũng sẽ được hưởng lợi, người chơi cung cấp các giải pháp tiên tiến cho các tuyến đường quy hoạch, giúp khách hàng xác định các nút thắc bất lợi và đạt được hiệu quả cao hơn ( điển hình là sự phát triển của các công ty công nghệ (Log Tech) hiện nay)
Thương mại điện tử (e-commerce)
Sản lượng thương mại đang chuyển dần từ cửa hàng bán lẻ truyền thống sang các nền tảng trực tuyến và di động. Khi người tiêu dùng ngày càng mua nhiều sản phẩm thông qua các dịch vụ phổ biến trên web, các luồng hàng hóa thông qua các mạng lưới giao thông cũng trở nên phức tạp hơn. Giao hàng trực tiếp tận nhà đang dần thay thế cho giao hàng đến các cửa hàng bán lẻ. Các công ty logistics cần phải mở rộng của dịch vụ trọn gói (end-to-end services) và chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh quyết liệt từ các công ty mới chuyên về thực hiện và giao hàng chặng cuối, cũng như từ các nhà bán lẻ tự thiết lập hoạt động logistics của riêng mình.
Các phân khúc liên quan đến chuyển phát bưu kiện sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng liên tục của thương mại điện tử. Những phân khúc này bao gồm không chỉ giao hàng CEP mà còn những người chơi khác, chẳng hạn như các công ty vận tải đường bộ và logistics hợp đồng có khả năng thực hiện giao hàng chặng cuối. Phân khúc giao hàng bưu điện cũng đã được hưởng lợi từ xu hướng này, nhưng những lợi ích thu được thường không đủ để bù đắp những mất mát trong kinh doanh gây ra bởi truyền thông điện tử.
Số hóa (digitization)
Xu hướng này ảnh hưởng đến ngành vận tải và logistics theo hai cách. Đầu tiên, các công ty có cơ hội đáng kể để áp dụng dữ liệu khổng lồ (hay còn gọi là big data) và tự động hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng và chi phí. Trong nhiều năm qua, các công ty T&L đã gia tăng sử dụng các giải pháp CNTT để theo dõi và truy tìm lô hàng và các phân tích cao cấp (advanced analytics) cho các tuyến đường và tối ưu hóa mạng lưới (network optimization). Họ cũng đã triển khai hệ thống CNTT để thay thế các quy trình giấy tờ như để định giá, đặt chỗ và thanh toán.